Cuộc chiến giành lại lãnh thổ từ tay IS với cái giá khủng khiếp của Syria và Iraq

Người đàn ông ở Mosul bế con chạy trốn giao tranh giữa IS và quân Iraq. Ảnh: Reuters

Một người cha đang hét lên trong sợ hãi, chạy dọc con phố đầy đổ nát ở Mosul, bế theo cô con gái nhỏ đang hoảng loạn, là một trong những hình ảnh mạnh mẽ nhất mà phóng viên ảnh Goran Tomasevic của hãng tin Reuters ghi lại trong cuộc tấn công do Iraq dẫn đầu nhằm đánh bật IS khỏi thành trì Mosul.

“Cả hai đều hét lên trong sợ hãi. Người cha và cô con gái nhỏ mà ông bế trong tay chạy trốn qua những con phố đầy đổ nát của khu dân cư Wadi Hajar, nơi trong nháy mắt đã biến thành chiến trường giữa các tay súng IS và lực lượng đặc nhiệm Iraq”, phóng viên ảnh Goran nói.

Họ cùng những người hàng xóm – một số đi dép cao su, một số đi chân trần – chạy khỏi cuộc phản công của IS ở khu vực này của Mosul, né tránh làn đạn khi các phiến quân áp sát.

Khi đến được khu vực của lực lượng đặc nhiệm, những người đàn ông bị yêu cầu vén áo để chứng minh họ không mang theo bom liều chết.

Đây là một chiến thuật thường thấy của các tay súng thánh chiến IS, và những người lính Iraq đã bắn súng chỉ thiên để cố ngăn người dân tiến về phía họ, đồng thời hét lớn bằng tiếng Ả Rập để họ làm theo chỉ dẫn.

Hình ảnh và câu chuyện trên được ghi nhận trong chiến dịch giải phóng Mosul, một trong các sự kiện đáng chú ý nhất của quá trình tiêu diệt IS của Syria và Iraq.

Mosul 2016: Trận chiến định đoạt số phận của Iraq

Mosul, thành phố lớn thứ hai Iraq, đã bị IS chiếm đóng vào tháng 6/2014, trở thành thủ đô thực tế và trung tâm kinh tế của nhóm khủng bố này. Với hơn hai năm chuẩn bị phòng thủ, IS biến thành phố Mosul thành pháo đài. Chiến dịch giải phóng Mosul là trận chiến lớn cuối cùng để giành lại thành phố từ tay IS, biểu tượng cho nỗ lực đòi lại lãnh thổ và chủ quyền của Iraq.

Theo trung tâm nghiên cứu Modern War Institute at West Point (MWIWP), chiến dịch giải phóng Mosul bắt đầu vào ngày 16/10/2016, với sự tham gia của hơn 100.000 binh sĩ từ quân đội Iraq, lực lượng Peshmerga (người Kurd), các nhóm dân quân địa phương và liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Trong khi IS có từ 3.000 đến 12.000 tay súng phòng thủ, liên quân tấn công là sự kết hợp giữa các đơn vị bộ binh, thiết giáp, lực lượng đặc nhiệm và các nhóm hỗ trợ hậu cần.

Kế hoạch tấn công được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu nhằm bao vây Mosul, phá hủy các cầu trên sông Tigris để ngăn IS di chuyển giữa hai bờ đông và tây. Tiếp theo là các đợt tấn công tập trung vào khu vực phía đông trước khi chuyển sang giai đoạn cuối cùng là giải phóng phía tây, nơi có khu phố cổ và thánh đường Al-Nuri – biểu tượng quyền lực của IS.

Theo trung tâm MWIWP, giai đoạn đầu diễn ra khá suôn sẻ, khi lực lượng Iraq và liên quân tiến công từ nhiều phía. Tuy nhiên, các đợt tấn công vào bên trong Mosul (ở phía đông) vấp phải kháng cự quyết liệt. IS sử dụng các chiến thuật như gài bẫy mìn, đánh bom tự sát và tận dụng các khu vực đông dân cư làm lá chắn sống. Lực lượng đặc nhiệm Iraq (CTS) dẫn đầu các cuộc tấn công, từng bước giải phóng từng khu phố theo chiến thuật “tấn công, chiếm giữ và thanh lọc”. Chiến thuật này tập trung vào việc chiếm từng khu vực nhỏ, giữ vững vị trí đã chiếm được và tiến hành làm sạch các mối đe dọa như tay súng bắn tỉa và thiết bị nổ tự chế (IED). Sau hơn 3 tháng, khu vực phía đông Mosul được giải phóng hoàn toàn vào tháng 1/2017.

Phía tây Mosul, nơi có khu phố cổ, là thử thách lớn nhất. Đây là nơi các con phố chật hẹp và công trình vững chắc tạo thành lợi thế phòng thủ cho IS. Các cuộc giao tranh diễn ra ác liệt, cả hai bên gánh chịu tổn thất lớn.

Theo trung tâm MWIWP, IS không ngần ngại sử dụng vũ khí hóa học để cản trở bước tiến của quân đội Iraq. Một điểm nhấn đặc biệt là trận đánh ở sân bay Mosul vào cuối tháng 2/2017. Quân đội Iraq, với sự hỗ trợ từ trên không của liên minh, đã chiếm được sân bay này sau 2 ngày giao tranh dữ dội, mở ra cánh cửa tiến sâu vào phía tây thành phố. Tuy nhiên, các cuộc phản kích liên tục từ IS khiến quân đội Iraq phải chiến đấu từng ngày để giữ vững lợi thế.

Đỉnh điểm của cuộc giải phóng phía tây Mosul là cuộc chiến giành lại thánh đường Al-Nuri, nơi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi từng tuyên bố thành lập cái gọi là “nhà nước Hồi giáo” (Caliphate). Ngày 21/6/2016, IS đã phá hủy thánh đường để ngăn quân đội Iraq chiếm được. Tuy nhiên, ngày 29/6, quân đội Iraq tuyên bố đã kiểm soát khu vực này và ngày 9/7, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi chính thức tuyên bố Mosul được giải phóng.

Chiến dịch giải phóng Mosul kéo dài 252 ngày với cái giá khủng khiếp. Hơn 10.000 dân thường thiệt mạng, hàng nghìn binh sĩ Iraq hy sinh, và thành phố Mosul gần như bị hủy diệt hoàn toàn. Theo Liên Hợp Quốc, hơn 40.000 công trình bị phá hủy, và chi phí tái thiết dự kiến lên tới 50 tỷ USD. Tuy nhiên, chiến thắng này đã đánh dấu sự sụp đổ của IS tại Iraq và là biểu tượng cho nỗ lực khôi phục chủ quyền của đất nước.

Trận chiến Raqqa: Vòng vây cuối cùng 

Các chiến binh người Kurd chiến đấu chống IS ở Raqqa năm 2017. Ảnh: Reuters

Raqqa được xem là trung tâm quyền lực và biểu tượng cho sự tàn bạo của nhóm khủng bố IS ở Syria. Sau 3 năm bị chiếm đóng, tháng 6/2017, trận chiến nhằm giành lại Raqqa chính thức bắt đầu.

Theo Reuters, chiến dịch giải phóng Raqqa được mở màn vào rạng sáng ngày 6/6/2017, với các cuộc tấn công tổng lực của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) từ phía bắc, đông và tây. Được hỗ trợ bởi các đợt không kích dồn dập từ liên quân do Mỹ dẫn đầu, SDF tiến vào căn cứ của Sư đoàn 17 (căn cứ của quân đội Syria bị IS chiếm đóng) ở phía bắc Raqqa và khu vực Mashlab ở đông nam thành phố. 

Đến cuối ngày, hơn một nửa khu vực Mashlab đã được giải phóng, cùng với việc chiếm làng al-Jazra. Tuy nhiên, cuộc chiến ngay lập tức trở nên khốc liệt khi IS sử dụng mọi vũ khí và chiến thuật, từ bom tự sát đến tấn công chớp nhoáng để phản công.

Ngày 7/6, SDF chiếm được một pháo đài cũ ở rìa thành phố và một số quận. Tuy nhiên, căn cứ Sư đoàn 17 và nhà máy đường gần đó nhanh chóng trở thành điểm nóng khi các tay súng IS phản công dữ dội. Đêm hôm sau, các đợt không kích mạnh mẽ của liên quân do Mỹ dẫn đầu đã phá hủy nhiều căn cứ IS nhưng cũng khiến 23 dân thường thiệt mạng. SDF dần chiếm được toàn bộ khu vực Mashlab và bắt đầu tiến vào các quận khác như Sabahiyah và Harqaliya, bất chấp sự chống trả quyết liệt từ IS.

Trong suốt tháng 6, các cuộc giao tranh diễn ra ác liệt ở các quận gần bờ sông Euphrates. Đến ngày 19/6, SDF đã bao vây hoàn toàn Raqqa, cô lập khoảng 4.000 tay súng IS bên trong thành phố. Tuy nhiên, IS không dễ dàng chịu thua. Những cuộc phản công quy mô lớn với xe bom và các đợt tấn công bất ngờ buộc SDF phải chiến đấu từng ngày để giữ vững các khu vực vừa chiếm được.

Vòng vây siết chặt hơn vào tháng 7 khi SDF tiến sâu vào khu phố cổ, sử dụng không kích để phá hủy một đoạn tường thành trung cổ, mở đường vào trung tâm Raqqa. Các cuộc giao tranh diễn ra trong từng ngôi nhà, ở từng khu phố. IS cố thủ trong các công trình như bệnh viện quốc gia và sân vận động, biến những nơi này thành pháo đài cuối cùng. Dù bị bao vây và thiếu thốn lương thực, nước uống, các tay súng IS, đặc biệt là các thành viên nước ngoài, vẫn chống trả đến cùng.

Tháng 9/2017, SDF kiểm soát 70% thành phố nhưng phải đối mặt với sự kháng cự dữ dội từ các tay súng cố thủ tại một số khu vực được ví là “Vòng tròn Địa ngục”. Các cuộc không kích liên tục được triển khai để phá hủy các căn cứ IS còn lại, nhưng số dân thường bị thương vong cũng gia tăng đáng kể.

Ngày 17/10, sau hơn 4 tháng giao tranh, SDF cuối cùng chiếm được sân vận động trung tâm, biểu tượng cuối cùng của sự kiểm soát của IS ở Raqqa. Thành phố được giải phóng hoàn toàn, đánh dấu sự sụp đổ của thành trì lớn nhất của IS tại Syria. Tuy nhiên, chiến thắng này cũng để lại những sự trăn trở khi hàng nghìn dân thường thiệt mạng, hàng chục nghìn người mất nhà cửa, và thành phố Raqqa gần như bị hủy diệt hoàn toàn.

Trận chiến Raqqa là minh chứng cho sự tàn khốc của chiến tranh đô thị và cái giá phải trả để tiêu diệt một trong những tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới. Đây cũng là lời nhắc nhở rằng, dù chiến thắng, hành trình tái thiết và hàn gắn vết thương chiến tranh vẫn còn rất dài.

Trận Deir ez-Zor 2017 – Sức mạnh khi Nga và quân đội Syria “bắt tay”

Chiến đấu cơ Su-34 của Nga thả bom ở tỉnh Deir ez-Zor, Syria. Ảnh: Reuters

Vào thời kỳ phát triển cực mạnh giai đoạn 2014-2015, IS đã kiểm soát phần lớn tỉnh Deir ez-Zor (Syria), ngoại trừ một số khu vực trong thành phố, nơi quân đội Syria (SAA) kiên cường bám trụ.

Khi đó, lực lượng trung thành với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chống đỡ mọi cuộc tấn công từ IS, bất chấp tình hình nguy hiểm và tình trạng cạn kiệt nguồn cung cấp nhu yếu phẩm.

Trong bối cảnh ấy, việc giải phóng Deir ez-Zor không chỉ là chiến thắng về mặt chiến thuật, mà còn mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, khẳng định sự hồi sinh của chính quyền Syria trong cuộc xung đột đầy biến động.

Thời điểm đó, vai trò của Nga trở nên đặc biệt quan trọng. Theo trung tâm Combating Terrorism Center at West Point (trụ sở ở Mỹ), Nga cung cấp không chỉ khí tài mà còn triển khai các cuộc không kích chiến lược, phá hủy các vị trí trọng yếu của IS.

Sự hiện diện của các chiến đấu cơ Nga trên bầu trời Deir ez-Zor không chỉ giúp giảm áp lực lên lực lượng mặt đất mà còn mang lại một nguồn động lực tinh thần lớn cho quân đội Syria.

Bằng cách tận dụng các thỏa thuận ngừng bắn tại các khu vực khác, do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, chính quyền Damascus đã chuyển hướng nguồn lực đáng kể về phía tỉnh Deir ez-Zor.

Điều này cho phép SAA và các lực lượng đồng minh, bao gồm cả dân quân do Iran hậu thuẫn, thực hiện một cuộc tấn công quyết liệt, phá vỡ thế bao vây của IS chỉ trong vòng vài ngày.

Trái ngược với sự kháng cự mạnh mẽ mà IS thể hiện ở Mosul (Iraq) hay Raqqa (Syria), tại Deir ez-Zor, nhóm khủng bố này dường như tan rã một cách bất ngờ. Các chiến binh IS rút lui mà không giao tranh ác liệt, để lại nhiều khu vực chiến lược cho quân chính phủ chiếm giữ một cách nhanh chóng và dễ dàng. Theo trung tâm Combating Terrorism Center at West Point, đây có thể là kết quả của những tổn thất nặng nề mà IS đã phải chịu trước đó, cũng như chiến thuật áp đảo từ không quân Nga và chiến dịch mặt đất của SAA.

Dẫu vậy, Deir ez-Zor không phải là nơi chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của IS tại Syria. Các tay súng IS còn lại đã di chuyển sang bờ đông sông Euphrates, nơi nhóm cực đoan này tập trung đối đầu với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. Mặc dù bị đánh bại về mặt lãnh thổ, IS vẫn chứng tỏ khả năng thích nghi và chuyển sang chiến thuật du kích, khiến cho cuộc chiến tại Syria tiếp tục kéo dài.

Chiến dịch giải phóng Deir ez-Zor không chỉ là một bước lùi quan trọng của IS mà còn mang lại những thành tựu lớn về mặt chính trị và chiến lược cho chính phủ Syria và đồng minh Nga. Chiến thắng này giúp khôi phục uy tín của chính quyền Assad, nâng cao vai trò của Nga trong khu vực và thay đổi cục diện chiến trường, mở ra cánh cửa để quản lý các khu vực giàu tài nguyên và tái thiết nền kinh tế bị tàn phá.

Trận chiến Deir ez-Zor 2017 không chỉ chứng minh sức mạnh của sự hợp tác quân sự giữa Nga và Syria mà còn nêu bật tầm quan trọng của chiến lược và sự kiên nhẫn trong xung đột hiện đại.

Theo trang Syriahr, cuộc chiến chống IS đã gây ra thiệt hại khổng lồ cho cả Syria và Iraq. Tại Syria, tổn thất kinh tế ước tính lên tới 1,2 nghìn tỷ USD, với GDP giảm hơn 62% so với năm 2010, đẩy đất nước về mức phát triển của thập niên 90. Hơn 80% dân số sống dưới mức nghèo khổ, và các cơ sở hạ tầng trọng yếu bị phá hủy nặng nề. Tại Iraq, các thành phố như Mosul chịu thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, trong khi ngành dầu mỏ – nguồn thu nhập chính – bị tàn phá, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế.

Cả hai quốc gia đều chịu hậu quả nhân đạo lớn với hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, hơn 7 triệu người phải đi tị nạn, và hàng triệu trẻ em mất cơ hội được đi học. Việc tái thiết đất nước đòi hỏi nguồn lực hàng trăm tỷ USD, nhưng cả Syria và Iraq đều đối mặt với nguồn lực quốc gia suy kiệt và sự bất ổn lâu dài.

—————————

IS, tổ chức khủng bố gieo rắc nỗi sợ hãi toàn cầu, đã đối mặt với những đợt không kích dữ dội và các chiến dịch quân sự khốc liệt từ 2 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới và liên quân quốc tế. Dù có mục tiêu chung là tiêu diệt IS, 2 cường quốc này vẫn có những toan tính riêng. Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo đăng sáng 19/12 để tìm hiểu về vai trò của 2 cường quốc hàng đầu này và toan tính riêng của họ trong cuộc chiến chống IS.

XEM THÊM CÁC KỲ

Kỳ đầu tiên 12 3Kỳ mới nhất